12.9 C
Toronto
Thursday, April 18, 2024

Hé lộ những điều kỳ diệu của một Tu viện Hy Lạp

Có biết bao điều bí mật đang nằm ẩn giấu ở nơi được gọi là phép màu nghìn năm trên đảo Amorgos

Một luồng gió mạnh nổi lên đẩy tôi loạng choạng tiến về phía trước, ngay sát bên lề của đoạn đường lấp đầy đá. Vừa đưa mắt nhìn xuống là mặt nước biển Aegean cách 305 mét hiện lên sáng lóa lấp lánh, cách nơi tôi đứng một vách lề rộng khoảng 5-inch khiến trái tim tôi không khỏi bắt đầu đập loạn xạ. Tôi hạ quyết tâm quay trở lại để tiếp tục cuộc chinh phục 295 bậc đá cao ngoằn ngoèo còn đang dang dở, và ngay lúc đó, tôi bắt gặp một điểm trắng nhỏ lấp ló trên vách đá cheo leo.

Vệt sơn trắng nhỏ thấp thoáng trên vách đá mà tôi thấy đó chính là Panayia Khozoviotissa, một Tu viện Chính thống giáo Hy Lạp được xây dựng vào năm 1088. Và nơi tôi đang có mặt là Amorgos, một khu tự quản lớn nằm ở phía đông của Quần đảo Cyclades. Để đến được nơi này, tôi đã phải bắt một chuyến đi phà kéo dài 9 giờ đồng hồ từ Athens chỉ để có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng kỳ quan kiến ​​trúc tuyệt vời này.

Tu viện ở đây được xây dựng với bề rộng năm thước và độ cao tám tầng. Nhìn từ xa, tòa kiến trúc trông giống như một nắm tay đeo găng trắng được gắn chặt trên bức tường cao gồ ghề.

Khozoviotissa là nơi tiếp nhận truyền thống lâu đời của các tu viện Hy Lạp, nằm ẩn mình và dung hòa vào cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp bao bọc xung quanh.

Sau cả chặng đường vận dụng hết tất cả nguồn năng lượng, cuối cùng tôi cũng đã leo lên được đỉnh vách đá. Anthony Vlavianos, kiến ​​trúc sư kiêm nhiếp ảnh gia 78 tuổi đến từ Athens, và đồng thời là người bạn đồng hành cùng tôi trong chuyến đi chơi này, không hề tỏ ra ngạc nhiên chút nào khi trông thấy tôi lăn ra thở hồng hộc còn mặt mũi tóc tai thì bơ phờ.

Vì đây là nơi bố mẹ Vlavianos sinh ra nên mỗi dịp hè, anh ấy sẽ thường xuyên ghé thăm hòn đảo 47 dặm vuông này và cũng chính vì vậy mà ngay từ khi còn nhỏ, Vlavianos đã quen được Cha Spiros, vị tu sĩ đứng đầu Tu viện – người mà tôi sắp sửa được giới thiệu.

“Mỗi bước lên cao là một bước đến gần với Chúa”, anh ấy vừa nói vừa gật gật đầu về phía mấy bậc thang cuối cùng hướng đến lối vào. Rõ ràng là chỉ mới năm trước thôi, để có thể lên đến được lối ra vào này là cả một sự khó khăn. “Lúc đó bạn phải leo lên một chiếc thang gỗ thì mới có thể đến được cửa đấy”, anh ấy giải thích.

Toàn bộ tu viện là cả một công trình tập hợp đa dạng các kiểu trang trí và tô điểm phong phú.

Đầu tiên là cánh cửa gỗ cao khoảng 3 foot được thiết kế với mái vòm kiểu gothic, một dấu hiệu đặc trưng ảnh hưởng từ người Venice sau khi họ chiếm đóng hòn đảo này vào thế kỷ 15. Ngoài ra, cánh cửa cũng được chạm khắc thêm các nan đá cẩm thạch trong quá trình cải tạo vào năm 1686.

Tán cây bách xù Hy Lạp rậm rạp xen lẫn những tia nắng chiếu rọi vào bức tường phía đông bắc kia chắc có lẽ đã ở đây từ ngày đầu mới hình thành. Tuy nhiên, sảnh trước tu viện lại trông có vẻ tương đối mới. Khi lướt qua lối vào nhỏ bé, tôi bước vào một đại sảnh lớn quét vôi trắng tinh, xung quanh thì đặt rất nhiều rương bằng gỗ và còn có tấm bia tưởng niệm người sáng lập đầu tiên của tu viện, Hoàng đế Byzantine Alexius I Comnenus, trị vì từ năm 1081-1118.

Một cầu thang hẹp đẽo từ đá uốn lượn dẫn lên đến vị trí của một vị linh mục mặc áo chùng thâm, đầu đội mũ zucchetto đã đứng đợi sẵn. Vị linh mục lườm tôi và nói bằng một chất giọng Anh nhát gừng: “Phụ nữ phải mặc váy. Hãy thể hiện sự tôn trọng”.

May mắn là lúc đi tôi có đem theo một chiếc khăn choàng đang cất ở trong túi nên có thể chữa cháy bằng cách quấn thành hai lớp như kiểu váy xa rông. Vậy là tôi liền lao xuống      chiếu nghỉ cầu thang và quấn chiếc khăn quanh thắt lưng rồi mới nhích dần lên cầu thang. Vị linh mục thấy vậy thì gật đầu đồng ý, ông dường như không quan tâm gì đến chiếc quần jean của tôi đang lấp ló ra bên dưới tấm vải.

Ông là một trong ba nhà tu sĩ trưởng, khác xa so với 100 người sống ở đây từ một thế kỷ trước. Theo chân ông bước vài bước lên bậc đá, chúng tôi đến với phòng khách, nơi được bao trùm bởi một không gian ấm áp được thắp sáng nhờ chiếc đèn chùm nhỏ, xung quanh là các bức chân dung của các giám mục quá cố được treo dọc trên các bức tường.

Vừa đặt người trên chiếc ghế dài được bọc bằng chất liệu vải nhung màu đỏ, là ngay lập tức có một vị trợ lý đã mang đến mời tôi một khay đầy ắp kẹo phủ đường dùng kèm với một ly cà phê Hy Lạp thơm ngon. Ngoài ra, trên khay còn có vài ly rượu psimeni nhỏ – một loại rượu mạnh của Amogos. Không chần chừ gì thêm nữa, tôi liền nhấp ngay một ngụm rượu mật ong và để làn hơi ấm từ hương quế lan tỏa khắp cơ thể. Hương vị thật tuyệt vời.

“Khu vực này nhiều năm trước đã từng không có điện đóm gì, còn nước thì sẽ phải vận chuyển trên lưng lừa.” Anh bạn Vlavianos của tôi vừa nói vừa chỉ tay vào một cái lỗ vuông nhỏ quét vôi trắng nằm ngang hàng với phòng khách, nơi có gắn một chiếc lò nhỏ và bồn rửa gắn kèm với một cái vòi nước đang hoạt động. Anh ấy nói: “Dù bây giờ đã có nước sinh hoạt nhưng lừa vẫn là phương tiện vận chuyển các nhu yếu phẩm.”

Cuộc trò chuyện bỗng nhiên bị cắt ngang bởi một giọng cười khanh khách vang lên từ bên dưới lầu, cùng với đó là tiếng áo choàng sột soạt và những bước chân chắc nịch. Ở phía cầu thang hẹp xuất hiện một khuôn mặt lam lũ với bộ râu có phần rối bời.

“Cha Spiros! Cha có khỏe không?” Vlavianos mừng rỡ thốt lên, bật dậy khỏi chiếc ghế dài và nắm chặt lấy tay người vừa đến. Mặc dù Cha Spiros không nói được tiếng Anh, nhưng ông ấy vẫn cười rất tươi và ra hiệu cho chúng tôi đi theo để bắt đầu chuyến tham quan.

Cha dẫn chúng tôi đến một khu vực, trước kia từng là nhà bếp, nhưng bây giờ là không gian lưu giữ vật liệu xây dựng, với đầy ắp các loại ván gỗ và dụng cụ. Lò nướng tổ ong lâu ngày không sử dụng đã được xếp chồng lên nhau dựa vào những tấm vách thạch cao.

“Sạt lở đá đấy. Chuyện này xảy ra như cơm bữa nên phải sửa chữa hoài,” Vlavianos giải thích. Tại một căn phòng khác thì lại là nơi chất đống những tấm đệm mỏng. “Những thứ đó sẽ được sử dụng cho Lễ cung hiến Đức Trinh Nữ Maria vào ngày 21 tháng 11 hằng năm. Vào dịp đó, mọi người ở khắp nơi trên hòn đảo sẽ đổ về đây nên là cũng có khá nhiều người ở lại qua đêm.”

Vlavianos và tôi tiếp tục theo chân Cha Spiros vào một căn nhà nguyện rộng khoảng hai mét và dài bốn mét rưỡi. Đây là nơi cất giữ vật sở hữu linh thiêng và quý giá nhất, biểu tượng “Panayia,” hay còn được gọi với cái tên Đức Mẹ Đồng Trinh.

Vlavianos kể với tôi rằng biểu tượng này được cho là đến từ Palestine, nơi Tu viện của Đức Trinh Nữ Cực Thánh Khoziba được xây dựng. Vào thế kỷ thứ chín, các tín đồ theo đạo Cơ đốc đã mang biểu tượng này đến đảo Síp nhưng lại bị người Ả Rập sát hại. Biểu tượng sau đó lại bị những người bài trừ thánh tượng đập vỡ làm đôi và ném ra biển, từ đó các mảnh ghép xuôi theo dòng chảy trôi về chân núi Tiên tri Elijah.

Sau này, các mảnh vỡ đã được tìm thấy và được ghép lại với nhau, tại nơi đó, người ta cũng xây dựng lên một nhà thờ nhỏ để tưởng niệm điều thiêng liêng kỳ diệu này. Và cũng cùng một vị trí đó, vào năm 1088, tu viện này đã được xây dựng bởi Hoàng đế Alexius Comnenus.

Trong một góc nhỏ mập mờ ánh sáng, biểu tượng quý giá nằm ẩn mình dưới một lớp vỏ bạc sờn. Bao bọc xung quanh biểu tượng là một khung gỗ được chạm khắc tinh xảo cùng      một chiếc hộp đựng đồng hồ và mặt dây chuyền được đặt nằm cạnh bên.

“Tạ ơn Chúa đã lắng nghe lời cầu nguyện của chúng con,” Vlavianos thì thầm. Cứ vào ngày lễ Phục sinh và cả tuần sau đó, các linh mục sẽ mang biểu tượng này đi ban phước quanh khắp hòn đảo.

Tương tự như lịch sử của biểu tượng, tòa nhà của tu viện cũng được bao trùm bởi những điều kỳ lạ và bí ẩn. Không một ai biết những người đứng ra xây dựng công trình này là ai, manh mối duy nhất có được chỉ là một cái đục đựng bên trong tủ kính nằm trong hốc tường của nhà thờ.

“Chuyện kể rằng cứ vào mỗi đêm, người chủ thầu xây dựng sẽ gom cất những công cụ của mình tại một chỗ và y như rằng sáng hôm sau, người ta lại thấy chúng bị treo trên một chiếc đinh ở một chỗ khác,” Vlavianos nói.

Và đúng là tôi có để ý thấy có cây đinh nhọn đặt trên gối y hệt như những trường hợp mà Vlavianos kể lại.

Cha Spiros lại tiếp tục dẫn chúng tôi ra phía chiếc ban công tưởng như đang nằm lơ lửng trong không trung, ngay phía trên cao là biển Aegean lấp lánh. Vị linh mục già dựa vào gờ ban công, mắt hướng nhìn ra biển. Phía trước là một màu xanh lam rực rỡ hiện ra hòa quyện vào đường chân trời kéo dài bất tận. Dưới là nước và trên là bầu trời, không một bóng tàu thuyền hay máy bay, tất cả nối liền nhau và trở thành một. Khung cảnh trước mắt khiến mọi thứ dần trở nên mê hoặc và mụ mị. Nền văn minh dường như không còn tồn tại trước vẻ đẹp này nữa.

“Cảm giác sẽ như thế nào khi được sống ở một nơi như này nhỉ?”, tôi tự hỏi.

Cha Spiros quay lại, cánh tay ông lướt nhẹ qua những vách đá, những bức tường quét vôi trắng tinh của tu viện và hướng ra biển. Đôi mắt xanh liền trở nên lấp lánh cùng với giọng nói ấm áp của ông vang vọng trên nền đá.

Vlavianos dịch lời Cha Spiros và bộc bạch:

 “Đó là sự hoàn hảo”.

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Latest article

Nhiều người đọc