Cụ bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, sinh năm 1922, sinh ra và lớn lên trong gia đình hoàng tộc thời nhà Nguyễn, trong đó “Công Tôn Nữ” là cách gọi cháu nội gái của tước Công. Cụ bà là chắt nội của vua Minh Mạng, cháu nội của Hoài Đức Quận Công Nguyễn Phúc Miên Lâm (con trai thứ 57 của Vua Minh Mạng, người có công phò tá vua Hàm Nghi và Thành Thái).
Xưa kia, gia đình cụ bà Trí Huệ nổi tiếng với nghề bốc thuốc cứu người. Năm 17 tuổi, cụ bà vào Đại Nội học may vá thêu thùa giống như các Công tôn nữ khác, qua đó có cơ hội tiếp xúc với gối trái dựa – hay gối tựa tay phục vụ cho hoàng tộc. Trong thời gian 9 năm ở cung, cụ bà Trí Huệ vừa làm trái dựa, vừa may áo cho Đức Từ Cung (mẹ của Vua Bảo Đại). Những chiếc gối do chính tay cụ bà Trí Huệ làm ra rất được lòng Đức Từ Cung và Vua Bảo Đại, và đã không ít lần Vua Bảo Đại đặt bà may loại gối này để làm quà.
Đến năm 1992, gia đình cụ bà Trí Huệ trở lại với công việc ruộng nương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên làm thêm nghề may áo dài. Vào thời đó, do không ai còn cần gối tựa nữa nên cụ bà chỉ tận dụng những mảnh vải dư để may gối cho đỡ nhớ nghề.
Vì tôn trọng, người địa phương đã gọi cụ bà Trí Huệ là “mệ” (cách gọi “mẹ” theo phương ngữ các vùng từ Thanh Hóa vào Huế). Qua hàng chục năm lịch sử, “Mệ Trí Huệ” (Mệ Huệ) đã trở thành người hiếm hoi am hiểu và giữ gìn được những kỹ thuật làm một chiếc gối tựa cung đình xưa; đồng thời lưu giữ được những giá trị văn hóa, lịch sử cung đình đặc sắc.
Vào lúc 21:35 ngày 24 tháng 3 năm 2023, Mệ Trí Huệ đã an nhiên từ giã cõi tạm. Những năm cuối đời, Mệ Trí Huệ sống cùng con trai lớn tại xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trong ký ức của người ở lại, Mệ Trí Huệ không giống như một người con vua cháu chúa, mà là một người phụ nữ cả đời lam lũ, một nghệ nhân tài hoa, luôn đau đáu với nghề làm gối tựa cung đình xưa và mong mỏi truyền dạy lại cho thế hệ sau.
Nghề may gối trái dựa cung đình Huế
Gối trái dựa, hay còn gọi là gối xếp, gối tựa, là vật phẩm Cung đình và được sử dụng nhiều ở chốn hoàng cung, vương giả. Gối tựa có nhiều nếp gấp, có thể gập mở tùy ý. Ngày xưa, gối tựa thường được các vua, quan lại sử dụng để gối đầu, tựa lưng lúc nghỉ ngơi, đọc sách, hay tì tay khi ngồi thưởng trà, ngâm thơ hay đàm đạo chính sự.
Các công đoạn làm ra gối tựa đều được làm bằng tay và dựa theo những quy định nghiêm ngặt. Từ việc lựa chọn những thước vải gấm thượng hạng, các loại bông để ních bên trong gối, cho đến việc thêu các họa tiết, hoa văn cầu kỳ; từng công đoạn đều được thực hiện rất chỉn chu, cẩn thận.
Để làm nên loại gối này, trước tiên phải cắt mảnh vải theo khổ, rồi may thành ô vuông. Kế đến là ních cho đầy bông ở các góc vuông rồi khâu lại, kết từng cái gối lại cho thành 5 lá, sau đó lại may vải bọc ngoài. Cứ như vậy, một chiếc gối tựa đã được hoàn thành. Theo nguyên tắc, gối trái dựa của vua dùng thường đủ 5 lá, có màu vàng, trên gối có thêu hình rồng, tượng trưng cho uy quyền. Gối tựa của Hoàng Thái hậu và các quan phải đủ 4 lá, tùy theo màu ghế mà có thể chọn những màu sắc và hoa văn khác nhau cho phù hợp. Điều quan trọng là toàn bộ gối không được để lộ bất kỳ mũi chỉ thừa nào.
Một chiếc gối tựa hoàn chỉnh có kích thước 29cm x 18cm x 30cm và cân nặng gần 2,5 kg. Việc tạo ra một chiếc gối tựa có thể mất từ 7-10 ngày để hoàn thành và được bán với giá trung bình 1,8 triệu đồng Việt Nam.
Ngoài ý nghĩa văn hóa lịch sử, gối trái dựa còn có ý nghĩa cầu phúc và may mắn. Chiếc gối truyền thống cơ bản được ghép từ 5 lá, theo thứ tự: xanh dương – đỏ – vàng – trắng – xanh lục, tương ứng với 5 chữ sinh – lão – bệnh – tử rồi lại sinh. Cả hai màu đầu đều là màu xanh, một cách chơi chữ rất hay với chữ sinh,hay sanh (giọng Huế).