Giao dịch và xây dựng căn hộ tại hai thị trường lớn nhất Canada – Toronto và Vancouver – đang lao dốc mạnh, dẫn đến nguồn cung dư thừa và hàng chục dự án bị hủy bỏ, bất chấp nỗ lực toàn quốc nhằm tăng tốc xây dựng nhà ở.
Theo dữ liệu từ Tổng công ty Thế chấp và nhà ở Canada (CMHC), từ năm 2022 đến quý I/2025, lượng căn hộ bán ra giảm 75% tại Toronto và 37% ở Vancouver. Riêng Toronto, số giao dịch giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lượng căn hộ tồn kho đã vượt 20.000 căn.
Tại Vancouver, tồn kho căn hộ hiện cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đại diện công ty bất động sản Royal LePage West, ông Adil Dinani nhận định, thị trường căn hộ đang trong giai đoạn khó khăn và sẽ mất vài năm để phục hồi.
Trong khi đó, nhiều người bán không có thời gian chờ đợi. Bà Evelyn Contino – luật sư bất động sản tại vùng Đại Toronto – cho biết đã rao bán căn hộ từ tháng 11 năm ngoái nhưng vẫn chưa nhận được lời đề nghị nào, dù đã giảm giá đáng kể. “Thị trường hiện tại thật sự rất hỗn loạn,” bà nói.
Bất chấp cuộc khủng hoảng nhà ở trên toàn quốc, hàng chục ngàn căn hộ vẫn nằm bất động trên thị trường. Các chuyên gia cho rằng người mua đang có tâm lý chờ đợi. Dù giá bán có xu hướng giảm và lãi suất đã hạ nhiệt, nhiều người vẫn hoãn quyết định mua vì lo ngại kinh tế toàn cầu bất ổn.
Ông Jason Mercer – nhà phân tích trưởng của Hội đồng Bất động sản Toronto (TRREB) – cho biết: “Rất nhiều người có ý định mua nhà, nhưng họ đang trì hoãn để theo dõi diễn biến kinh tế.”
Hoạt động xây dựng căn hộ mới cũng đang lao dốc nghiêm trọng. Theo công ty nghiên cứu Urbanation, khu vực Đại đô thị Toronto – GTA đang ghi nhận mức xây dựng thấp nhất kể từ năm 1996. Ít nhất 28 dự án với tổng cộng gần 6.000 căn hộ đã bị hủy, trì hoãn, chuyển sang cho thuê hoặc bị đưa vào diện giám sát tài chính kể từ đầu năm 2024.
Tuy nhiên, giới chuyên môn tin rằng thị trường sẽ phục hồi theo chu kỳ.
CMHC ước tính, Canada cần xây thêm 3,5 triệu căn nhà từ nay đến năm 2030 để khôi phục khả năng chi trả nhà ở. Nếu chậm trễ khởi công, hậu quả sẽ thấy rõ trong 5 năm tới.