2.9 C
Toronto
Thursday, November 21, 2024

Cẩm nang du lịch đảo Phú Quý

Trải nghiệm du lịch biển tại hòn đảo xinh đẹp của tỉnh Bình Thuận.

Viên ngọc thô ẩn mình giữa biển khơi, đó là danh xưng người địa phương Bình Thuận dành để nhắc đến hòn đảo Phú Quý thuộc tỉnh này. Lý do hẳn cũng bởi khoảng cách 120km giữa đảo Phú Quý và đất liền là một thử thách lớn ngăn cản du khách tới thăm địa điểm này. Vì đây là huyện đảo xa nhất của tỉnh Bình Thuận nên du lịch chưa thực sự phát triển. Nếu bạn cần tìm một không gian bình yên, thơ mộng và còn lưu giữ nét hoang sơ của biển đảo, Phú Quý chính là một lựa chọn hoàn toàn thích hợp.

Đảo Phú Quý (còn được biết đến với tên gọi cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một đảo nhỏ thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. Đảo Phú Quý vốn trước đây có diện tích khoảng 21 km² và là nơi cư trú của khoảng 33 nghìn người. Thế nhưng vì lý do xâm thực nên hiện tại diện tích của hòn đảo xinh đẹp này chỉ còn khoảng 16 km². Đảo có tổng cộng 3 xã gồm Tam Thanh, Long Hải và Ngũ Phụng. Trong đó, xã Tam Thanh được xem là khu trung tâm kinh tế phát triển nhất của đảo Phú Quý, có cảng tàu khách nên đây cũng là khu vực khách du lịch ghé thăm nhiều nhất. Còn lại, xã Ngũ Phụng là khu hành chính nằm ở giữa đảo và xã Long Hải là khu vực nằm ở mặt sau của đảo, khá xa trung tâm nên vắng vẻ và hoang sơ nhất.

Phu Quy Island - a raw gem hidden in the middle of the sea. Photo: phanthiet.vn
Phu Quy Island – a raw gem hidden in the middle of the sea. Photo: phanthiet.vn

Hình 1: Đảo Phú Quý – viên ngọc thô ẩn mình giữa biển lớn. Photo: phanthiet.vn

1. Du lịch đảo Phú Quý nên đi vào thời điểm nào?

Khí hậu tại đảo Phú Quý được nhiều người khen ngợi là trong lành và mát mẻ quanh năm. Do mưa bão chủ yếu rơi vào tháng 9 đến tháng 11 nên thời điểm thích hợp nhất để du lịch tại đây là từ khoảng tháng 12 đến tháng 6 năm sau. Xuân và hè là mùa biển êm, gió nhẹ, lý tưởng để di chuyển ra các đảo lân cận. 

Bạn có thể đến đảo vào dịp Rằm (14 và 15 Âm lịch) hoặc mùng Một Âm lịch để được ngắm san hô trên cạn lúc thủy triều rút.

2. Di chuyển ra đảo Phú Quý như thế nào?

Từ Sài Gòn, bạn đi xe ô tô hoặc xe khách các hãng Thành Bưởi hoặc Phương Trang để ra thành phố Phan Thiết, sau đó bắt taxi ra cảng Phan Thiết. Phương tiện duy nhất để đến đảo Phú Quý chính là tàu thủy, bạn có thể tìm thấy những hàng tàu và mua vé tại cảng Phan Thiết. Lưu ý: cảng Phan Thiết có 2 bến nên bạn nhớ hỏi kĩ bến nào mới là nơi đỗ tàu thủy ra đảo Phú Quý nhé!

Những hãng tàu thủy đi Phú Quý bạn có thể tham khảo gồm có Superdong, Hưng Phát, Phú Quý Express. Thông thường, tàu sẽ hoạt động trong khung giờ từ 6h30 đến 15h. Thời gian di chuyển đến đảo dao động từ 2 đến 4 tiếng, tùy loại tàu. Giá vé là 350.000 VNĐ/người.

3. Gợi ý những địa điểm tham quan 

Đảo Phú Quý có hơn 11 điểm tham quan nằm rải rác. Nếu bạn lo lắng không biết nên đi như thế nào thì hãy yên tâm vì chủ nhà nghỉ hoặc homestay sẽ tận tình hướng dẫn cho bạn. Culture Magazin sẽ gợi ý bạn một số điểm du lịch nổi bật nhất tại đây:

Ao cá Làng Dương

Có những điểm du lịch ngoài cư dân trên đảo thì gần như không một ai biết đến. Ví dụ như hồ cá bỏ hoang ngay sát Mộ thầy Sài Nại này. Hồ cá này được người địa phương gọi là “ao cá Làng Dương”, một số khác thì gọi đây là “đập Gành Hang”. Trước đây, hồ cá từng được dùng để nuôi cá mực. Tuy nhiên, từ khi hình thức đánh bắt trở nên phổ biến hơn thì hồ cá này bị bỏ quên, mặc cho sóng vỗ khiến nước biển tràn vào. Theo thời gian, giờ đây, ao cá Làng Dương đã trở thành một công trình kiến trúc cổ mang nét đẹp hoang sơ, độc đáo. 

Lang Duong fish pond. Photo: infonet.vietnamnet.vn

Hình 2: Ao cá Làng Dương. Photo: infonet.vietnamnet.vn

Cánh đồng quạt gió (Phong điện Phú Quý)

 Phu Quy Wind Power Plant. Photo: LD Newspaper

Không nổi tiếng như cánh đồng quạt gió ở Bạc Liêu hay Đắk Lắk nhưng vẻ đẹp đậm chất Tây của cánh đồng quạt gió tại đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cũng khiến nhiều khách du lịch thích thú và chụp ảnh. Tên gọi đúng của cánh đồng quạt gió này là Phong điện Phú Quý, một nhà máy điện gió được khởi công xây dựng vào tháng 11 năm 2010. Đây cũng là công trình điện gió đầu tiên của Việt Nam vận dụng mô hình vận hành hỗn hợp năng lượng gió và diesel, nâng công suất cung cấp lên gấp 3 lần, từ đó giúp người dân địa phương có thể được sử dụng điện 24/24. 

Vốn chỉ là một công trình phục vụ sinh hoạt cho người dân trên đảo, thế nhưng Phong điện Phú Quý do có thiết kế ấn tượng nên nghiễm nhiên trở thành một điểm nhấn nổi bật của hòn đảo xinh đẹp này, thu hút rất nhiều bạn trẻ đam mê chụp ảnh ghé thăm.

Hình 3: Cánh đồng điện gió. Photo: Báo Lao Động

Chùa Linh Sơn

Tọa lạc trên núi Cao Cát là ngôi chùa cổ hơn trăm tuổi nổi tiếng tại đảo Phú Quý, mang tên chùa Linh Sơn. Chùa cao khoảng 200m so với mặt nước biển. Có thể nói, ngôi chùa này đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân trên đảo Phú Quý, là điểm tựa tinh thần để ngư dân cúng bái trước khi ra khơi đánh bắt. Ở đây không có sư trụ trì mà các phật tử phân công nhau thực hiện các nghi thức cúng lễ và đón tiếp rất nhiều lượt du khách đến tham quan, vãn cảnh với sự thân thiện, cởi mở.

Sau khi vào chùa dâng hương, bạn đừng quên tiếp tục đi bộ lên đỉnh núi Cao Cát để ngắm tượng Bồ Tát Quan Thế Âm được đặt uy nghiêm trên bệ đá khổng lồ. Gần đó còn có một mỏm đá lớn nhô ra với bên dưới là bãi xương rồng, đây là địa điểm check-in của rất nhiều du khách khi tham quan chùa. Từ chùa Linh Sơn – cũng là vị trí cao nhất của ngọn núi Cao Cát, du khách có thể phóng trọn tằm mắt ra xa ngắm nhìn khung cảnh toàn đảo Phú Quý được biển khơi xanh mát bao trọn. 

Mộ thầy Sài Nại

Theo dân gian lưu truyền, thầy Sài Nại là một thương gia người Hoa, có hiểu biết về các loại thuốc chữa bệnh. Trong một lần sang Việt Nam buôn bán, thuyền của ông đã bị bão cuốn trôi đến đảo Phú Quý. Hấp dẫn bởi vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng của hòn đảo, ông đã quyết định gắn bỏ tại đây đến cuối đời. Ông là người có công lớn cứu chữa người dân địa phương từ thuở đảo còn nguyên sơ. Đó là lý do ông được tôn thờ như vị thần bảo hộ của hòn đảo Phú Quý.

Sau khi mất, người dân địa phương chôn cất và đắp khu dinh mộ vào năm 1665. Hàng năm, Lễ cúng thầy Sài Nại được tổ chức vào ngày 4/4 Âm lịch với nhiều nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa miền biển, tiêu biểu có hát bội cầu an.

Hình 5: Dinh mộ thầy Sài Nại. Photo: dulichdiaphuong.vn

Đền thờ công chúa Bàn Tranh

Một địa chỉ tín ngưỡng dân gian khác nổi tiếng ở Phú Quý chính là đền thờ công chúa Bàn Tranh. Đền thờ được người Chăm (Champa) xây dựng vào cuối thế kỷ XV.

Tương truyền, công chúa Chiêm Thành không chịu bị ép duyên nên vua cha đã thả xuống thuyền đày đi biệt xứ. Thuyền vô tình trôi đến đảo Phú Quý, nhìn thấy khung cảnh thơ mộng nơi đây đã khiến công chúa Chiêm Thành quyết định ở lại đây và khai khẩn lập nghiệp cũng như giúp người dân địa phương đánh đuổi giặc ngoại xâm. Vì có công lao to lớn với đảo Phú Quý, sau khi mất, công chúa Chiêm Thành được tôn xưng là Bà Chúa Xứ (hoặc còn gọi là Bà Chúa Đảo), lập miếu thờ và duy trì lễ cúng giỗ hàng năm.

Đến đền thờ công chúa Bàn Tranh, ngoài việc bái lễ, du khách còn được chiêm ngưỡng nét kiến trúc mang đậm dấu ấn giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Chăm trong lịch sử, đồng thời được nghe những câu chuyện kể liên quan đến Bà Chúa Xứ.

Hòn Tranh

Hòn Tranh là một địa điểm nổi tiếng nằm trong quần thể các đảo nhỏ của Phú Quý. Hòn Tranh nằm cách đảo Phú Quý 800m về hướng Đông Nam. Đây là căn cứ quân sự bảo vệ chủ quyền biển đảo trọng yếu của vùng biển Bình Thuận.

Tên gọi Hòn Tranh bắt nguồn từ loài thực vật mọc nhiều trên đảo – cỏ tranh. Trước đây, người dân trên đảo Phú Quý thường sang đây cắt cỏ tranh về lợp nhà, lâu dần hình thành tên gọi. Hòn Tranh quanh năm sóng yên biển lặng với nước biển trong xanh có thể nhìn thấy tận đáy, soi rõ các loài tảo biển và từng rặng san hô. Tại Hòn Tranh, bạn có thể trải nghiệm các hoạt động du lịch như tắm biển, chèo thuyền, lặn ngắm san hô, ngắm đảo từ trạm Radar hoặc cùng ngư dân ra khơi câu cá và thưởng thức hải sản tươi ngon tại thuyền.

Bạn có thể liên hệ với chủ nhà nghỉ hoặc homestay để mua tour tham quan Hòn Tranh với mức giá khoảng 250.000 VNĐ/người.

Hình 6: Hòn Tranh. phanthiet.vn
Hình 7: Hòn Tranh. Gody.vn

4. Một số lưu ý bạn cần biết

– Tàu biển ra vào đảo chạy theo lịch cố định trong từng tháng nên du khách nên đặt trước vì vé hết rất nhanh. Bạn có thể theo dõi thêm lịch tàu chạy tại trang thông tin của Sở Giao thông vận tải Bình Thuận ở phần thông báo. Link: https://sgtvt.binhthuan.gov.vn/. Trung bình một ngày chỉ có 1-2 chuyến xuất phát mỗi chiều đi, vì vậy bạn nên theo dõi và chú ý giờ tàu xuất phát để tránh trường hợp lỡ tàu. 

– Trên đảo chưa có taxi nên bạn có thể thuê xe máy tại khách sạn để tiện di chuyển đến các điểm du lịch. Giá thuê xe máy sẽ dao động từ 100.000 – 150.000 VNĐ/xe/ngày. Bạn chỉ cần đổ xăng đầy bình một lần là có thể đủ để vi vu khắp đảo cả ngày.

– Nếu muốn cắm trại qua đêm trên đảo, bạn hãy nhờ chủ nhà nghỉ hoặc homestay xin giấy phép trước để có thể hoàn thành các thủ tục cư trú tại đây.

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Latest article

Nhiều người đọc