7.7 C
Toronto
Monday, April 21, 2025

Cú sốc đầu tiên từ các mức thuế của ông Trump sắp ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu

Chỉ ba tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ phát động cuộc chiến thương mại toàn cầu với loạt thuế quan mới, các dấu hiệu đầu tiên về tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới đã bắt đầu lộ diện.

Chỉ cách Tòa Bạch Ốc vài dãy phố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), theo dự kiến, sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong các báo cáo mới sẽ công bố vào thứ Ba này. Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF, cho biết tăng trưởng toàn cầu sẽ bị cắt giảm đáng kể – dù chưa tới mức suy thoái – và lạm phát tại một số quốc gia có thể tăng mạnh. Bà cũng cảnh báo rằng tình trạng bất định kéo dài có thể dẫn đến căng thẳng trên thị trường tài chính.

Các nhà kinh tế từ Bloomberg Economics nhận định rằng IMF thường đưa ra các dự báo khá lạc quan trong các cuộc khủng hoảng lớn, và thực tế tác động có thể tồi tệ hơn con số được công bố ban đầu.

Vào thứ Tư (23/4), loạt các chỉ số quản lý mua hàng (PMI) từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu sẽ cho thấy bức tranh rõ ràng hơn về hoạt động sản xuất và dịch vụ sau khi các mức thuế của ông Trump có hiệu lực từ ngày 2 tháng Tư. hiện một phần thuế đã được tạm hoãn. Tổng thể bức tranh này sẽ cho phép các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương đang nhóm họp tại Washington có cơ hội đánh giá thiệt hại ban đầu từ nỗ lực tái cấu trúc hệ thống thương mại toàn cầu của ông Trump.

Những đám mây phủ bóng nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ chưa tan sớm.

Tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết Fed sẽ “kiên nhẫn” và chờ đợi thêm dữ liệu trước khi quyết định chính sách tiền tệ. Trong khi đó, Tổng thống Trump tiếp tục có động thái gây áp lực lên Fed, làm dấy lên lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương.

Một loạt báo cáo kinh tế Mỹ sẽ được công bố trong tuần này, bao gồm doanh số nhà mới, đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền, và chỉ số niềm tin người tiêu dùng từ Đại học Michigan. Đây là những dữ liệu cho thấy người dân Mỹ đang phản ứng thế nào trước nguy cơ giá cả leo thang do thuế quan. Trong khi đó, ông Trump tiếp tục làm dấy lên lo ngại về việc ông có thể tìm cách hạn chế tính độc lập của Fed, giữa lúc căng thẳng trong mối quan hệ của ông với ngân hàng trung ương gia tăng.

Ở phía Bắc, tại Canada, chiến dịch tranh cử đang bước vào tuần cuối, với Thủ tướng Mark Carney và Đảng Tự Do đang dẫn trước khoảng 5 điểm phần trăm. Giới quan sát cho rằng Canada có thể đạt được chính phủ đa số trong bối cảnh bất ổn thương mại với Mỹ. Dữ liệu bán lẻ và chi tiêu tiêu dùng của Canada của Tháng 2 và Tháng 3, cũng sẽ cho thấy liệu người dân có tiếp tục cắt giảm chi tiêu tháng thứ 3 liên tiếp do lo ngại kinh tế hay không.

Tại châu Á, Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay, trong khi Indonesia, Philippines và Hàn Quốc công bố các dữ liệu thương mại, dự báo GDP và chỉ số lòng tin tiêu dùng trong tuần. Đặc biệt, Hàn Quốc cử Bộ trưởng Thương mại Ahn Duk-geun sang Mỹ lần thứ ba để thương lượng về việc loại bỏ hoặc nới lỏng thuế suất.

Nhật Bản cũng đang đàm phán với Mỹ, thậm chí sẵn sàng điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn xe hơi để đạt được thỏa thuận.

Tại châu Âu, các chỉ số quản lý mua hàng PMI và báo cáo niềm tin tiêu dùng sẽ cho thấy mức độ tác động của căng thẳng thương mại đối với nền kinh tế khu vực đồng Euro. Đức và Pháp công bố các khảo sát kinh tế quan trọng, trong khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ và Anh cũng có những phát biểu được thị trường chờ đợi.

Tại khu vực châu Mỹ Latin, Argentina công bố GDP sơ bộ sau khi vừa đạt thỏa thuận 20 tỷ đô la với IMF, trong đó có 12 tỷ giải ngân ngay lập tức. Brazil, Mexico và Colombia công bố loạt dữ liệu kinh tế, với Mexico đang trên bờ vực suy thoái kỹ thuật sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Những hậu quả đầu tiên từ chính sách thuế của ông Trump đang lan rộng, khiến các chính phủ, ngân hàng trung ương và doanh nghiệp toàn cầu phải đánh giá lại rủi ro và chuẩn bị đối phó. Đây có thể chỉ là khởi đầu cho một thời kỳ kinh tế đầy bất ổn trước mắt.

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Latest article

Nhiều người đọc