Hơn 3 tháng sau khi hoành hành khắp thế giới, dịch Covid-19 mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố là “đại dịch toàn cầu”.
Tối 11.3 (giờ địa phương), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra là “đại dịch toàn cầu”.
Tuy nhiên, phía WHO cũng chia sẻ rằng việc tuyên bố đại dịch không liên quan đến sự thay đổi bản chất của căn bệnh nhưng lại liên quan đến những quan ngại về khả năng lây lan về mặt địa lý.

Được biết, tình trạng đại dịch được WHO xác nhận nếu một căn bệnh mới mà con người chưa có khả năng miễn nhiễm lan rộng ngoài dự kiến của thế giới.
Cụ thể hơn, để xác định một căn bệnh là đại dịch là khi có các ca nhiễm liên quan đến người nhiễm từ nước ngoài trở về nước, hoặc khi người này trở về và lây nhiễm cho người khác thì chưa đủ tiêu chí tuyên bố đại dịch. Cần phải có làn sóng lây nhiễm thứ 2 từ người sang người trong cộng đồng.
Công bố đại dịch đồng nghĩa với việc thừa nhận nhiều khả năng sẽ xảy ra sự lây nhiễm rộng trong cộng đồng trên toàn cầu, và chính phủ cùng hệ thống y tế cua các nước phải đảm bảo sẵn sàng đối phó. Trong khi đó, bệnh dịch chỉ là sự gia tăng các ca nhiễm bệnh trong một quốc gia hay cộng đồng.
WHO là tổ chức có tiếng nói sau cùng về thời điểm công bố đại dịch và không có tiêu chí cụ thể nào về số người tử vong, lây nhiễm hay số quốc gia bị ảnh hưởng.
Mục đích chủ yếu của việc công bố đại dịch là nhằm nâng cao ý thức, chứ không phải để dẫn đến tình trạng nhiều người hốt hoảng trên toàn cầu.

WHO cũng nhấn mạnh rằng việc dùng từ “đại dịch” không phải là dấu hiệu cho thấy tổ chức này thay đổi về các khuyến cáo. WHO vẫn kêu gọi các nước “phát hiện, xét nghiệm, chữa trị, cách ly, theo dõi và vận động người dân”.
Tính đến sáng 12.3, dịch Covid-19 đã tràn vào ít nhất 114 quốc gia và giết chết hơn 4.000 người. Do đó, việc WHO mới công bố đây là đại dịch có phần bị chê là quá trễ nãi.
Ảnh: AFP/GETTY
This post is also available in: English