So với mặt bằng chung tại châu Á, làng phim ảnh Việt Nam còn khá non trẻ. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng thị trường bộ môn nghệ thuật thứ 7 tại đây đang ngày càng đi lên với tốc độ chóng mặt.
Tính riêng trong 5 năm gần đây nhất, khán giả được chiêu đãi vô số tác phẩm được đầu tư công phu từ nội dung đến hiệu ứng hình ảnh. Bên cạnh đó, công chúng còn chứng kiến những cuộc chạy đua doanh thu lên đến trăm tỷ đồng của Em chưa 18, Cua lại vợ bầu, Hai Phượng…

Kết quả của sự tăng trưởng đáng khích lệ này là tương lai Việt Nam được hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng. Hồi cuối tháng 11 năm nay, nhân dịp phái đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Hàn Quốc ở Busan (Hàn Quốc), Giám đốc điều hành Netflix (Mỹ) – Reed Hastings đã tỏ ý mong muốn “xâm nhập” vào thị trường Việt Nam. Ông Reed Hastings khẳng định muốn sản xuất phim cũng như thực hiện cảnh quay tại Việt Nam. Thông tin này nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm.
Được biết, Netflix là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải trí trực tuyến có hơn 151 triệu thành viên trả phí tại hơn 190 quốc gia. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng khá “mát tay” trong việc sản xuất tác phẩm. Bằng chứng là loạt phim do hãng “đỡ đầu” như The Irishman, Marriage Story, Dolemite is My Name,… đang thống trị bảng đề cử Quả cầu vàng 2020. Thậm chí, những phim trên còn tràn trề hi vọng đem về ít nhất một cúp vàng về cho Netflix. Do đó, một khi Netflix đã bắt đầu muốn “nhúng tay” vào thị phần phim ảnh Việt Nam, thì đây chắc chắn là một tín hiệu đáng vui mừng. Bên cạnh đó, việc ê-kíp Netflix sang làm việc cũng có thể giúp đỡ các nhà làm phim Việt tiến bộ và “toàn cầu hóa” nhanh hơn, phần nào đem đến các đứa con tinh thần tiếp cận người xem nhiều nước hơn.

Truc Dao