March 29/2020
Với sự phong tỏa của các nền kinh tế chủ chốt nhằm đối phó đại dịch COVID-19, giá dầu đã lao dốc trong tháng 3/2020, liên tiếp giảm trong 5 tuần vừa qua. Thứ 6, 27/3 giá dầu WTI giảm xuống dưới 22 đôla/thùng và Brent giảm xuống dưới 28 đôla/thùng.
Thị trường cổ phiếu cũng cho thấy sự giảm giá mạnh. So với thời điểm cuối năm 2019, những ngành giảm mạnh nhất: Bảo hiểm (-32%), Dầu khí (-32%), Du lịch và Giải trí (-30%), Bán lẻ (-29%). Những ngành giảm ít nhất bao gồm: Hóa chất (-6%), Y tế (-7%), Xây dựng và Vật liệu (-12%), Ngân hàng (-14%). Một số chuyên gia trong giới tài chính cho rằng, khủng hoảng đại dịch Covid-19 có một số tương đồng với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, sau khi dịch COVID-19 được đẩy lùi, nhiều khả năng cổ phiếu của một số ngành sẽ tăng giá mạnh như: Dịch vụ và giải trí, Bán lẻ, Dịch vụ tài chính, Ôtô và phụ tùng, Ngân hàng.
Thị trường tài chính và kim loại quý thế giới đang trải qua những biến động lớn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Trong khi chứng khoán liên tục trồi sụt, thị trường vàng lại ghi nhận những diễn biến chưa từng có tiền lệ.
Những ngày gần đây, các tổ chức, ngân hàng trên thế giới liên tục thay đổi dự báo giá vàng với xu hướng tăng vọt. Mức cao nhất mới được đưa ra lên tới 2.500 USD/ounce, tương đương với 71 triệu đồng/lượng. Ngân hàng đầu tư TD Securities vừa đưa ra dự báo giá vàng sẽ tăng lên 1.800 USD/ounce vào thời gian không xa và đạt 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay. Theo đánh giá của Công ty TD Securities, khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế toàn cầu trong tình trạng nới lỏng tiền tệ cũng như thâm hụt tài khoản tăng đột biến sẽ là yếu tố thúc đẩy vàng tăng.
Tuy nhiên, vàng có thể lao dốc không phanh sau đó. Điều này đã từng xảy ra năm 2008 khi thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ Mỹ. Vàng đã đánh bại tất cả các kỷ lục trước đó để lập đỉnh rồi lại khiến hàng loạt nhà đầu tư thụt két vì mất giá cũng nhanh không kém. Có nhiều điểm tương đồng ở thời điểm năm 2018 và hiện nay cho thấy, kịch bản cũ có thể lặp lại.